Cao huyết áp là bệnh mạn tính nguy hiểm, rất phổ biến và có xu hướng ngày càng tăng trong xã hội. Việc phát hiện sớm các triệu chứng cao huyết áp và chẩn đoán, điều trị kịp thời giúp người bệnh tránh khỏi được những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Sau đây Neheca xin gửi tới bạn những thông tin vô cùng quan trọng về triệu chứng của bệnh và đặc biệt là cách phát hiện bệnh ngay lập tức tình trạng cao huyết áp của bạn và người thân để có hướng xử trí kịp thời, hiệu quả.
Cao huyết áp rất nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời
Huyết áp là áp lực của dòng máu lên thành mạch, thường được đo với hai chỉ số là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương (VD: 130/80mmHg). Theo hội Tim mạch Việt Nam, tăng huyết là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg.
Tình trạng huyết áp trong mạch máu cũng giống nhưng một chiếc lốp xe được bơm hơi lên vậy. Nếu bơm hơi vào trong lốp quá căng thì có thể làm vỡ lốp xe. Tương tự như vậy, huyết áp trong lòng mạch quá cao, tăng huyết áp đột ngột có thể làm vỡ mạch máu, gây xuất huyết. Nhưng không chỉ có vậy, huyết áp tăng cao kéo dài, mạn tính còn gây xơ cứng mạch máu lớn, tổn thương mạch máu nhỏ gây nên hàng loạt biến chứng vô cùng nguy hiểm như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận, mù lòa,… thậm chí tử vong.
Bệnh nguy hiểm là vậy nhưng các dấu hiệu cao huyết áp lại thường khó phát hiện, đôi khi bị bỏ qua. Bệnh cứ diễn biến âm thầm cho đến khi biểu hiện và gây nên các biến chứng thì đã muộn.
Triệu chứng bệnh huyết áp cao
Triệu chứng cao huyết áp thường khó phát hiện, chỉ có một số dấu hiệu mà người bệnh có thể gặp:
- Đau đầu: đây là triệu chứng tăng huyết áp phổ biến và hay gặp nhất ở những người bị huyết áp cao. Người bệnh thường mô tả cơn đau đầu khó chịu, đau đầu kèm theo cảm giác “giật” ở hai bên thái dương, đôi khi cơn đau đầu trở nên dữ dội.
- Nóng đỏ bừng mặt: rất nhiều bệnh nhân huyết áp cao mô tả họ thường có những cơn nóng bừng mặt, đỏ mặt hoặc có thể cảm thấy “phừng phừng” rất khó chịu. Đây là một trong những triệu chứng cao huyết áp ở người già thường gặp nhưng lại dễ bị bỏ qua.
- Hoa mắt, chóng mặt: người bệnh có thể thấy chóng mặt, đầu óc quay cuồng thậm chí buồn nôn và nôn. Đây cũng có thể là những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tai biến mạch máu não. Đau đầu, nóng bừng mặt và hoa mắt chóng mặt có thể là những triệu chứng tăng huyết áp đột ngột, rất nguy hiểm.
- Suy giảm thị lực: tăng huyết áp gây biến chứng làm tổn thương võng mạc của mắt, khiến thị lực của người bệnh suy giảm sau một thời gian.
- Vết máu trong mắt: huyết áp cao làm tổn thương các mạch máu nhỏ, có thể khiến chúng bị vỡ.
- Ù tai: một số người bệnh nhạy cảm đôi khi có thể thấy “ù ù” bên tai, nghe không rõ. Cũng có thể đôi khi cảm thấy như có tiếng mạch đập bên tai.
- Tê, yếu chân tay thoáng qua: một số người bệnh phát hiện thấy chân tay đột ngột tê, yếu, sau đó lại hết. Khi đi khám bệnh được phát hiện tăng huyết áp mức độ đã nặng, bắt đầu gây nên tình trạng “ tai biến mạch máu não thoáng qua”.
- Đau thắt ngực, đau tim: đó là những cơn đau ngực không ổn định, là những biểu hiện nặng của tăng huyết áp lâu ngày, không được điều trị,
- Hồi hộp, đánh trống ngực: tăng huyết áp làm tim khó bơm máu vào lòng mạch. Tim cần co bóp nhanh, mạnh để bù đắp lại nên đôi lúc người bệnh có cảm giác như “tim nhảy khỏi lổng ngực”.
- Khó thở, thở gấp: cao huyết áp lâu ngày còn gây suy tim. Tim không thể đảm nhiệm vai trò bơm máu cung cấp oxy cho cơ thể như bình thường được nữa. Người bệnh thường cảm thấy khó thở, nhất là trong các hoạt động gắng sức.
Những ai có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp
Ngoài việc theo dõi xem bản thân có thường gặp các triệu chứng cao huyết áp hay không, bạn cũng nên quan tâm những đối tượng nào thường mắc căn bệnh này, để xem mình và người thân có nằm trong số các trường hợp đó hay không. Sau đây là những đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh:
- Tuổi: từ sau 45 tuổi, nguy cơ mắc bệnh tăng dần lên. Đặc biệt, nam giới từ 55 tuổi, nữ giới từ 65 tuổi thì nguy cơ bị bệnh rất cao.
- Gia đình có người mắc bệnh tăng huyết áp: Những người có người thân cùng huyết thống trong gia đình đã bị mắc bệnh thì nguy cơ người đó bị cao huyết áp cũng tăng lên.
- Chế độ ăn uống nhiều muối: ăn mặn làm cơ thể tăng giữ nước, làm lượng dịch trong lòng mạch máu tăng lên, làm tăng huyết áp.
- Ít vận động: người ít vận động, ít tập thể dục thể thao thường có nhịp tim cao thường xuyên, đồng thời làm tăng nguy cơ tăng cân, béo phì là một yếu tố nguy cơ tăng huyết áp.
- Stress, căng thẳng thường xuyên: căng thẳng, stress làm tim đập nhanh, mạch máu co dẫn đến tăng huyết áp cục bộ. Tuy nhiên nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, liên tục thì sẽ dẫn đến làm tăng huyết áp thực sự.
- Béo phì, thừa cân: một mặt làm cho cơ thể phải sử dụng nhiều máu bơm vào lòng mạch, làm tăng huyết áp. Mặt khác béo phì, thừa cân làm rối loạn mỡ máu, hình thành các mảng xơ vữa trên thành mạch làm huyết áp tăng cao, gây nên các triệu chứng cao huyết áp và tăng nguy cơ biến cố tim mạch.
- Mắc các bệnh lí mạn tính khác: người bị suy thận, đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, … thường dẫn đến cao huyết áp kèm theo.
- Hút thuốc lá: các chất độc hại trong thuốc lá làm co mạch máu, phá hủy thành mạch máu không những làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp mà còn gây nên hàng loạt biến chứng tim mạch nguy hiểm khác nữa.
- Lạm dụng bia, rượu: một lượng nhỏ rượu vang hàng ngày có tác dụng tốt cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên lạm dụng bia, rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp và tăng nguy cơ biến cố tim mạch.
Cách phát hiện bệnh cao huyết áp!
Theo thông tin thống kê của Hội Tim mạch Việt Nam, tại nước ta có đến 47% người trưởng thành trên 25 tuổi bị cao huyết áp. Đồng thời, cứ có 2 người bị bệnh thì có một người không biết mình đang mắc bệnh(51,6%), cứ 10 bệnh nhân đã biết mình bị cao huyết áp thì có khoảng 4 người chưa điều trị(38,9%),và trong số bệnh nhân đã điều trị cứ 10 người thì có đến 6 người điều trị chưa hiệu quả(63,7%).
Như vậy, có hàng triệu người, trong số đó có thể có bạn và người thân của bạn đang bị cao huyết áp – “kẻ giết người thầm lặng” đe dọa mà không hề hay biết.
Vậy cần làm gì để:
Những người chưa phát hiện bệnh thì sớm phát hiện để điều trị kịp thời!
Những người đã phát hiện bệnh thì điều trị hiệu quả hơn!
Câu trả lời là: Cần phải theo dõi huyết áp thường xuyên. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng. Chúng tôi giải thích để bạn cùng tìm hiểu!
Đối với những người chưa phát hiện cao huyết áp
Những người thuộc đối tượng có nguy cơ bị huyết áp cao hoặc những người nghi ngờ có các triệu chứng cao huyết áp rất cần được theo dõi huyết áp định kì, thường xuyên ngay cả khi chưa bao giờ được chẩn đoán bệnh. Chẩn đoán cao huyết áp hoàn toàn dựa trên các chỉ số huyết áp đo được và không phụ thuộc vào việc bạn có các dấu hiệu cao huyết áp hay không. Việc chủ động theo dõi, phát hiện sớm bệnh cao huyết áp giúp người bệnh được điều trị ngay từ khi bệnh còn nhẹ, chưa có biến chứng.
Rất nhiều người bệnh tưởng như mình không bị cao huyết áp vì không thấy bất cứ dấu hiệu tăng huyết áp nào, nhưng đến khi đi khám thì bệnh đã nặng. Thậm chí, cho đến khi họ bị các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não,… họ mới đến bệnh viện và được phát hiện mắc bệnh tăng huyết áp.
Đối với những người đã phát hiện huyết áp cao
Như thông tin chúng tôi đã nói ở trên, trong số 10 người đang điều trị cao huyết áp thì có tới 6 người điều trị không hiệu quả.
Điều đó có nghĩa là họ uống thuốc điều trị mà chỉ số huyết áp vẫn cao, thuốc và chế độ điều trị có thể đã bị “nhờn”. Họ vẫn không hề hay biết để có sự điều chỉnh cách điều trị.
Điều này thực sự rất đáng lo ngại, bởi nó khiến cho họ có thể gặp những biến chứng nguy hiểm bất cứ lúc nào.
Rất có thể bạn cũng rơi vào trường hợp tương tự.
Vậy thì, theo dõi huyết áp thường xuyên giúp bạn sớm phát hiện những bất thường của chỉ số huyết áp, qua đó, giúp bạn và bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc và chế độ điều trị hợp lí.
Có những cách nào để theo dõi huyết áp thường xuyên?
Có hai cách có thể giúp bạn và người thân theo dõi huyết áp thường xuyên, qua đó phòng tránh được những biến chứng nguy hiểm bệnh cao huyết áp. Đó là:
Cách số 1: Đo huyết áp thường xuyên tại cơ sở y tế
Bạn và người thân hoàn toàn có thể đến các cơ sở y tế thường xuyên để được đo, theo dõi huyết áp định kì. Bất kì cơ sở y tế nào từ trạm y tế cho tới các trung tâm y tế, phòng khám, bệnh viện đều có thể đo huyết áp cho bạn. Tuy nhiên cách này có nhiều bất tiện vì những lí do sau:
Bạn và người thân cần phải di chuyển đến cơ sở y tế đó, đôi khi quá xa, chi phí đi lại quá tốn kém.
Làm thủ tục khám bệnh đôi khi quá phức tạp, trong khi mục đích của bạn chỉ là đo và theo dõi huyết áp.
Bạn khó có thể theo dõi huyết áp hàng ngày được, vì không phải ngày nào hay thậm chí tuần nào bạn cũng có thể đến cơ sở y tế đó.
Nếu đến khám sức khỏe định kì 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần, bạn cũng sẽ được theo dõi huyết áp. Tuy nhiên, theo dõi với khoảng thời gian như vậy, rất có thể khiến bạn bị bỏ sót bệnh tăng huyết áp. Vì theo nghiên cứu, người ta phát hiện ra rất nhiều trường hợp “tăng huyết áp ẩn giấu”. Tức là, trong khi bạn đã bị bệnh cao huyết áp, chỉ số huyết áp hàng ngày của bạn tăng cao, và bạn cũng không có bất kì triệu chứng cao huyết áp nào cả, nhưng tại thời điểm bạn đo huyết áp tại cơ sở y tế thì chỉ số huyết áp lại hoàn toàn bình thường, bác sĩ không phát hiện ra các biểu hiện huyết áp cao của bạn.
Cách số 2: Đo huyết áp thường xuyên ngay tại nhà và bất cứ khi nào bạn thấy cần thiết với một chiếc máy đo chính xác, dễ sử dụng
Hiện nay, việc theo dõi huyết áp tại nhà là hết sức dễ dàng, ngay cả với người già. Với sự phát triển của công nghệ, rất nhiều loại máy đo huyết áp điện tử có khả năng đo huyết áp vô cùng chính xác và rất dễ sử dụng. Bạn và người thân chỉ việc đeo máy vào tay, bấm nút, chờ 1-2 phút cho máy đo, sau đó máy sẽ hiển thị kết quả đo rất rõ ràng và dễ theo dõi. Đặc biệt, có rất nhiều loại máy đo huyết áp có giá cả rất hợp lí để bạn và người thân có thể mua và sử dụng tại nhà mà không gặp bất cứ vấn đề bất tiện nào cả. Ngay khi phát hiện có sự bất thường của chỉ số huyết áp, bạn nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt và điều trị sớm, tránh biến chứng của bệnh.
Neheca hi vọng đã mang đến những thông tin sức khỏe hữu ích và xin chúc bạn và người thân thật nhiều sức khỏe!