Quan Tâm Ngay! Những sản phẩm thiết yếu chăm sóc sức khỏe của bạn và gia đình bạn!

Huyết áp cao: căn bệnh vô cùng nguy hiểm – Bạn đã biết?

Huyết áp cao là một bệnh rất phổ biến, khó phát hiện sớm do đó khó điều trị kịp thời, có thể gây nên những biến chứng vô cùng nặng nề. NEHECA xin gửi tới bạn những thông tin vô cùng quan trọng giúp bạn và người thân không bao giờ phải: nằm liệt giường, mù lòa hai mắt, đau thắt ngực hay thậm chí là bị đột tử vì những biến chứng của bệnh cao huyết áp. Đừng chần chờ gì nữa – Hãy đọc ngay bài viết này bạn nhé!

huyết áp cao
Cao huyết áp là căn bệnh nguy hiểm, rất thường gặp nhưng lại ít được quan tâm đúng mức!

Huyết áp cao là bệnh gì?

Huyết áp cao ( hay còn gọi là tăng huyết áp, tăng xông) là tình trạng áp lực dòng máu lên thành mạch cao hơn ngưỡng bình thường.

Huyết áp thường được đo với hai chỉ số là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương(Ví dụ: 130/80mmHg, 160/90mmHg(đọc là milimet thủy ngân – một chỉ số đo áp lực)). Hai chỉ số này tương ứng với hai thời kì co bóp của tim. Huyết áp tâm trương tương ứng với thời kì tim giãn ra để máu chảy về tim. Huyết áp tâm thu là thời kì tim co lại để đẩy máu vào lòng mạch. Huyết áp tâm thu bao giờ cũng lớn hơn huyết áp tâm trương. Điều này cũng giống như một chiếc máy bơm bơm nước vào ống dẫn làm cho ống dẫn căng lên vậy, chỉ khác một điều là máy bơm bơm nước liên tục còn tim thì bơm máu vào lòng mạch từng nhịp một.

Chỉ số huyết áp tâm trương bình thường nằm trong ngưỡng từ 60mmHg đến dưới 90mmHg. Trong khi đó, chỉ số huyết áp tâm thu bình thường nằm trong ngưỡng 90mmHg đến dưới 140mmHg.

Cao huyết áp khi một trong hai chỉ số huyết áp cao hơn ngưỡng bình thường
Cao huyết áp khi một trong hai chỉ số huyết áp cao hơn ngưỡng bình thường

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, và Hội Tim mạch Việt Nam, cao huyết áp là khi một trong hai loại chỉ số huyết áp hoặc cả hai chỉ số cao hơn ngưỡng bình thường. Điều đó có nghĩa là huyết áp tâm trương tăng từ 90mmHg trở lên, hoặc huyết áp tâm thu tăng từ 140mmHg trở lên, hoặc cả hai chỉ số đều tăng.

Tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp rất cao

Huyết áp tăng cao là một bệnh rất thường gặp.

Ở các nước phát triển, khoảng 1/3 số người lớn trên 18 tuổi bị tăng huyết áp, và khoảng hơn 50% số người trên 50 tuổi mắc bệnh.

Tại Việt Nam, vào những năm 1980 có 11% người lớn bị cao huyết áp nhưng đến năm 2018 tỷ lệ này đã tăng lên 25,1%, tức là cứ 4 người lớn thì có một người bị mắc bệnh. Xu hướng mắc bệnh ngày càng gia tăng và ngày càng thấy xuất hiện ở những người trẻ tuổi hơn.

tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp ngày càng tăng (Nguồn: Bộ Y tế)

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh lý tim mạch là nguyên nhân số một gây tử vong với 17,9 triệu ca (2016), chiếm 31% số ca tử vong toàn cầu. Trong đó, tăng huyết áp là căn nguyên hàng đầu gây nên những biến chứng dẫn đến tử vong như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, phình tách vỡ động mạch chủ,…

Cao huyết áp nguy hiểm như thế nào?

Nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là một trong những biến chứng vô cùng nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp

Huyết áp cao được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”, do bệnh có rất ít triệu chứng để phát hiện sớm, đôi khi bệnh nhân không hề thấy bất cứ dấu hiệu nào của bệnh. Bệnh âm thầm xuất hiện và tiến triển cho đến khi gây nên các biến chứng nguy hiểm. Tất cả các biến chứng của bệnh đều ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan quan trọng, liên quan trực tiếp đến tính mạng và hoạt động chức năng của bệnh nhân. Các biến chứng nguy hiểm không thể không kể đến:

Tổn thương tim:  phì đại tâm thất trái, suy tim, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim.

Tổn thương mạch máu: xơ vữa động mạch, phình động mạch chủ và tách thành động mạch chủ. Biến chứng này thường gặp ở các bệnh nhân tăng huyết áp quá cao lâu ngày không được kiểm soát.

Tổn thương thận: suy giảm chức năng thận, đái ra chất đạm, tăng urat máu(là nguyên nhân gây bệnh gout).

Tổn thương võng mạc mắt: là nguyên nhân gây nhìn kém, thậm chí mù lòa.

Tổn thương não: nhồi máu não, xuất huyết não, xuất huyết dưới màng nhện não. Những biến chứng này cùng với nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, vỡ phình động mạch là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng “đột tử”.

Nguyên nhân gây bệnh

Hầu hết các trường hợp huyết áp cao ở người lớn là không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng (hay còn gọi là tăng huyết áp nguyên phát, cao huyết áp vô căn), chiếm tới 95% số ca bệnh.

Tăng huyết áp vô căn chiếm đa số

Số bệnh nhân còn lại (còn gọi là cao huyết áp thứ phát – do một nguyên nhân nào đó gây nên), chiếm khoảng 5%, có thể tìm thấy một số nguyên nhân sau:

Các bệnh về thận: bệnh lý cầu thận (cấp, mạn), viêm thận kẽ, xơ vữa động mạch thận gây hẹp động mạch thận, loạn sản xơ cơ mạch thận, suy thận mạn,…

Các bệnh nội tiết: u tủy thượng thận, Cushing, cường aldosteron tiên phát, cường giáp, suy giáp, cường tuyến yên,…

Các bệnh hệ tim mạch: hở van động mạch chủ (gây tăng huyết áp tâm thu đơn độc), hẹp eo động mạch chủ (gây tăng huyết áp chi trên), bệnh takayasu, hẹp, xơ vữa động mạch chủ bụng có ảnh hưởng đến động mạch thận,…

Một số loại thuốc có thể làm huyết áp tăng cao: cam thảo, rượu, các thuốc cường alpha giao cảm (thường là thành phần của các loại thuốc nhỏ mũi chữa ngạt,….), thuốc tránh thai,…

Một số nguyên nhân khác: do thai nghén (hay còn gọi là bệnh tăng huyết áp thai kì, tiền sản giật, sản giật – là một rối loạn nguy hiểm trong thời kì mang thai), hội chứng ngừng thở khi ngủ,…

Những ai có nguy cơ mắc bệnh huyết áp tăng cao

Nam giới từ 55 tuổi, nữ giới từ 65 tuổi trở lên có nguy cơ cao bị bệnh. Tuy nhiên, huyết áp cao có thể phổ biến sớm hơn ở những người bắt đầu bước vào tuổi trung niên. Nam giới thường gặp hơn nữ giới và phụ nữ đã mãn kinh thường gặp hơn phụ nữ chưa mãn kinh.

Những người có người cùng huyết thống trong gia đình bị cao huyết áp, thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Người ăn mặn, chế độ ăn nhiều muối thường bị bệnh do muối làm giữ nước trong cơ thể, làm “căng” mạch máu dẫn đến làm tăng huyết áp.

Người hút thuốc lá không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao mà còn làm tăng nguy cơ mắc hàng loạt bệnh lí nguy hiểm khác!

Nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp

Người bị rối loạn mỡ máu, người bị đái tháo đường thường bị tăng huyết áp cao kèm theo.

Người béo phì, người ít vận động thể chất làm tăng nguy cơ mắc huyết áp cao.

Tăng huyết áp có những loại nào

Cao huyết áp tâm thu đơn độc

cao huyết áp tâm thu đơn độc
Cao huyết áp tâm thu đơn độc thường gặp ở người cao tuổi

Đối với người cao tuổi, huyết áp tâm thu có xu hướng tăng và huyết áp tâm trương có xu hướng giảm đi. Khi huyết áp tâm thu cao hơn hoặc bằng 140 mmHg và huyết áp tâm trương nhỏ hơn 90 mmHg, bệnh nhân được gọi là tăng huyết áp tâm thu đơn độc. Sự gia tăng trị số huyết áp tâm thu và huyết áp hiệu số (HA tâm thu trừ đi HA tâm trương) là một yếu tố tiên lượng các biến chứng tim mạch.

Cao huyết áp tâm trương đơn độc

Thường xảy ra ở người trung niên, huyết áp tâm trương cao thường được định nghĩa là khi huyết áp tâm thu nhỏ hơn 140 và huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg.

Tăng huyết áp “áo choàng trắng” và hiệu ứng “áo choàng trắng”

Là tình trạng huyết áp tăng cao khi đo ở cơ sở y tế trong khi huyết áp hàng ngày hoặc đo 24 giờ lại bình thường. Đây có thể là khởi đầu của cao huyết áp thực sự và có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

Chẩn đoán tăng huyết áp áo choàng trắng khi huyết áp đo nhiều lần đi khám lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg, trong khi đó huyết áp trung bình 24 giờ lại nhỏ hơn 125/80 mmHg. Chỉ sử dụng thuốc cho bệnh nhân tăng huyết áp “áo choàng trắng” khi có bằng chứng tổn thương cơ quan đích hoặc nguy cơ tim mạch cao.

Cao huyết áp ẩn giấu

Tăng huyết áp ẩn giấu
Tăng huyết áp ẩn dấu khiến bệnh nhân dễ bỏ sót bệnh khi đi khám

Tăng huyết áp ẩn giấu là tình trạng huyết áp bình thường khi đo tại cơ sở y tế, nhưng đo ở những nơi khác (tại nơi làm việc hay ở nhà) lại cao. Phát hiện huyết áp cao ẩn dấu bằng việc theo dõi huyết áp liên tục 24 giờ.

Huyết áp cao giả tạo

Ở một số bệnh nhân lớn tuổi, các động mạch ngoại biên rất cứng nên băng quấn phải có áp lực cao hơn để nén lại. Dấu hiệu Osler dương tính: động mạch cánh tay hay động mạch quay vẫn bắt được dù băng quấn đã bơm hơi căng. Khi nghi ngờ, nên đo huyết áp trong lòng động mạch để xác định chẩn đoán.

Tăng – hạ huyết áp tư thế

Hạ huyết áp tư thế được định nghĩa là khi huyết áp tâm thu giảm trên 20 mmHg, hoặc huyết áp tâm trương giảm trên 10mmHg trong vòng 3 phút khi chuyển từ tư thế nằm sang tư thế đứng, thường do rối loạn thần kinh thực vật hoặc biến chứng của đái tháo đường. Những bệnh nhân tăng huyết áp khi nằm và hạ huyết áp tư thế đứng có thể ngất do huyết áp thay đổi quá nhanh và quá nhiều.

Những triệu chứng cao huyết áp

Huyết áp cao được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” do bệnh gây nên những biến chứng vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng tới mạng sống của người bệnh nhưng triệu chứng, dấu hiệu để phát hiện bệnh lại vô cùng nghèo nàn, đôi khi chỉ thoáng qua, rất khó phát hiện. Cách duy nhất để phát hiện tăng huyết áp cao là đo huyết áp thường xuyên hàng ngày hoặc hàng tuần bằng một máy đo huyết áp chính xác tại nhà hoặc tại cơ sở y tế. Đặc biệt là đối với những người bước sang tuổi trung niên hoặc những người có người thân bị huyết áp cao.

Đau đầu là một trong các triệu chứng của bệnh huyết áp cao
Đau đầu là một trong các dấu hiệu của bệnh

Các triệu chứng, dấu hiệu của bệnh cao huyết áp mà đôi khi bệnh nhân có thể gặp và cần chú ý là:

  • Đau đầu.
  • Đỏ bừng hay nóng bừng mặt.
  • Tức nặng ngực.
  • Chảy máu mũi.
  • Vết máu trong mắt hoặc xuất huyết kết mạc.
  • Tê hoặc ngứa ran các chi.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Choáng và chóng mặt.
  • Đau tim.

Khi thăm khám, các bác sĩ có thể phát hiện thấy các triệu chứng của bệnh như:

  • Nghe thấy tiếng thổi bất thường ở tim.
  • Nhịp tim nhanh hoặc thấy các rối loạn nhịp tim khác.
  • Các dấu hiệu của suy tim trong trường hợp huyết áp cao lâu ngày gây biến chứng.
  • Nghe thấy tiếng thổi ở các mạch máu lớn.
  • Bắt mạch bẹn có thể giảm hoặc mất.
  • Phát hiện thấy các bất thường ở đáy mắt.
  • Khám bụng có thể phát hiện thấy thận to hoặc khối bất thường ở bụng do huyết áp tăng quá cao gây phình mạch hoặc nghe thấy tiếng thổi ở động mạch chủ hoặc động mạch thận.

Chẩn đoán bệnh tăng huyết áp

Để chẩn đoán huyết áp cao, phát hiện sớm, điều trị sớm, qua đó tránh được các biến chứng nguy hiểm của bệnh, cách duy nhất là đo huyết áp bằng một thiết bị đo huyết áp chính xác, đều đặn, thường xuyên.

via GIPHY

Đo huyết áp thường xuyên là cách theo dõi và chẩn đoán huyết áp cao tốt nhất

Đối với những người chưa phát hiện tăng huyết áp, hoàn toàn có thể đo huyết áp tại nhà hàng ngày, hàng tuần với các loại máy đo huyết áp điện tử dễ sử dụng, khi phát hiện các chỉ số huyết áp bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ khám, chẩn đoán xác định, điều trị và tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt kịp thời.

Đối với các bệnh nhân đã phát hiện cao huyết áp, cũng cần theo dõi huyết áp thường xuyên, phát hiện kịp thời các bất thường để có thể điều chỉnh chế độ điều trị thích hợp.

Các giai đoạn của bệnh tăng huyết áp

Phân loạiHuyết áp tâm thu(mmHg)Huyết áp tâm trương(mmHg)
Huyết áp tối ưu< 120< 80
Huyết áp bình thường< 130< 85
Huyết áp bình thường cao130 – 13985 – 89
Tăng huyết áp độ I(nhẹ)140-15990 – 99
Tăng huyết áp độ II (trung bình)160 – 179100 -109
Tăng huyết áp độ III(nặng)≥180≥110
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc≥140<90
Nếu huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương
không cùng một phân loại thì chọn mức huyết áp cao hơn để xếp loại

Khi đi khám bệnh cần chú ý điều gì nếu nghi ngờ huyết áp tăng?

Khi nghi ngờ bản thân bị huyết áp cao và muốn đi khám để kiểm tra xác định, trước ngày đi khám bạn cần:

via GIPHY

Hãy trao đổi với bác sĩ những lo lắng của bạn

  • Giữ tâm lí thật thoải mái.
  • Ngủ đủ giấc, không thức khuya hoặc dậy quá sớm.
  • Không ăn, uống các loại thức ăn, nước uống gây kích thích: cà phê, chè, rượu bia, …
  • Nghỉ ngơi 10-15 phút trước khi vào khám và đo huyết áp.
  • Không hồi hộp hay lo sợ, giữ tâm lí thật thoải mái, bình tĩnh.
  • Trao đổi, thảo luận với bác sĩ về tình trạng bệnh và tất cả những triệu chứng bạn gặp phải hoặc những điều bạn quan tâm.       

Điều trị bệnh cao huyết áp như thế nào

cách điều trị cao huyết áp
Có nhiều phương thức để điều trị bệnh huyết áp cao

Các phương thức để điều trị bệnh huyết áp cao bao gồm:

  • Điều chỉnh thói quen, lối sống: không dùng các loại thực phẩm có chứ chất kích thích như cà phê, rượu bia, …, bỏ thói quen ăn mặn, giảm cân nặng nếu bị béo phì, rối loạn mỡ máu, duy trì thói quen tập thể dục đều đặn, …. phương pháp này thường được áp dụng với những người bệnh tăng huyết áp nhẹ, ít yếu tố nguy cơ tim mạch và chưa có biến chứng
  • Dùng thuốc tây y: các loại thuốc giãn mạch, các loại thuốc lợi tiểu, các loại thuốc giảm nhịp tim.
  • Dùng thuốc đông y: râu ngô, bông má đề,….

Tùy thuốc vào từng tình trạng bệnh, từng mức độ huyết áp tăng cao hay các nguy cơ, bệnh lý mắc kèm theo mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị cụ thể với từng bệnh nhân.

Cần chú ý điều gì khi bị bệnh huyết áp cao?

Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp, để tránh mắc phải những biến chứng của bệnh, bạn cần hết sức chú ý những điều vô cùng quan trọng sau đây:

Thay đổi chế độ ăn uống dành cho người bệnh tăng huyết áp cao: không ăn mặn hoặc đồ ăn có chứa nhiều muối(thịt muối, thịt hun khói, dưa muối, đồ kho,…); không ăn quá nhiều dầu mỡ động vật không tốt, đặc biệt là tạng động vật; không ăn uống đồ ăn thức uống có chứa chất kích thích như cà phê, rượu bia,…

Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người bị huyết áp cao
Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh cho người bị huyết áp cao

Thay đổi thói quen, lối sống lành mạnh: không thức khuya, không dậy quá sớm đặc biệt là khi trời lạnh, không tắm lạnh, tập thể dục đều đặn( nhưng không tập quá sức, không chơi những môn thể thao cường độ mạnh,…), không thay đổi cảm xúc quá mạnh(quá tức giận,…), …

Theo dõi huyết áp hàng ngày, hàng tuần đều đặn (bạn có thể sử dụng máy đo huyết áp tại nhà hoặc đến cơ sở y tế). Thăm khám, trao đổi với bác sĩ thường xuyên hoặc ngay khi có bất thường. Nếu bạn đang phải uống thuốc để điều trị huyết áp cao, hãy uống thuốc thường xuyên, không dừng thuốc đột ngột hoặc thay đổi loại thuốc khác mà chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

Hãy nhớ, những điều này là vô cùng quan trọng!

Nếu chưa bị bệnh, cần làm gì để phòng bệnh huyết áp cao?

Tỷ lệ mắc bệnh huyết áp cao rất cao và ngày càng trẻ hóa. Đặc biệt là còn rất nhiều người bị tăng huyết áp hoặc có nguy cơ huyết áp tăng cao nhưng chưa được phát hiện. Theo ước tính, hiện nay có khoảng 10 triệu người Việt Nam bị bệnh tăng huyết áp nhưng có đến 50% số bệnh nhân không biết mình bị bệnh. Rất có thể bạn hoặc người thân của bạn đang bị cao huyết áp hoặc có nguy cơ tăng huyết áp cao mà không hề hay biết.

Hãy theo dõi huyết áp thường xuyên cho bản thân và gia đình bạn!

Thỉnh thoảng khám bệnh và đo huyết áp không phản ánh chính xác tình trạng huyết áp tăng cao của bạn và người thân. Bởi vì rất có thể ở thời điểm đi khám bệnh người thân của bạn không bị tăng huyết áp, nhưng khi ở nhà lại có những cơn tăng huyết áp rất cao hay còn gọi là tăng huyết áp khẩn cấp.

Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể ngăn bệnh tiến triển nặng và phòng tránh được những biến chứng vô cùng nguy hiểm( đột quỵ, liệt nửa người, nằm liệt giường sống thực vật,… thậm chí là đột tử). Cách duy nhất để phát hiện sớm huyết áp cao là theo dõi huyết áp định kỳ (tốt nhất là hàng ngày, hàng tuần) bằng cách đo huyết áp tại nhà hoặc tại cơ sở y tế gần nhất.

Nếu bạn hoặc người thân của bạn đang theo dõi hoặc đang có ý định theo dõi huyết áp tại nhà, nhất định phải sử dụng một chiếc máy đo huyết áp chính xác và dễ sử dụng( đặc biệt là đối với người trung niên, người cao tuổi thì máy đo huyết áp càng dễ sử dụng càng tốt). Máy đo huyết áp không nhất thiết phải quá đắt tiền hay quá nhiều chức năng, điều quan trọng nhất là chiếc máy đo đó phải đo huyết áp chính xác, nếu không sẽ thật nguy hiểm biết chừng nào phải không bạn!

Neheca chúc bạn và người thân thật nhiều sức khỏe!

Bình luận